Cô gái nói chuyện với chính mình trong quá khứ bằng AI

Chỉ với quyển nhật ký và công nghệ AI, Michelle Huang đã ngược dòng quá khứ để trò chuyện với chính mình năm 14 tuổi.

Việc nói chuyện với chính mình trong quá khứ vốn là điều không tưởng, nhưng Michelle Huang (26 tuổi, sống tại New York, Mỹ) đã tìm ra cách để gần như làm được điều đó. Những gì cô cần là nguồn dữ liệu từ quá khứ như nhật ký và công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại nhất.

Michelle Huang, 26 tuổi nghĩ ra cách trò chuyện với chính bản thân mình năm 14 tuổi bằng AI. Ảnh: Michelle Huang.

Nữ nghệ sĩ 26 tuổi đã đưa tất cả nhật ký từ năm 7 tuổi của mình cho mô hình ngôn ngữ AI có tên là GPT-3. Được phát triển bởi OpenAI, mô hình này sẽ dùng công nghệ học sâu (deep learning) để tạo ra những văn bản không khác gì văn bản từ người thật.

Quay về quá khứ bằng AI

Với những dòng tâm sự chân thật trong cuốn nhật ký, từ những bí mật, nỗi sợ thầm kín cho đến cảm giác rung động khi nói chuyện với người mình thích, Huang cho biết công nghệ AI này đã mô phỏng thành công cảm giác khi cô nói chuyện với chính mình thời thơ ấu.

Chia sẻ với The Independent, cô gái nói mọi thứ cứ như một giấc mơ. "Tôi cứ có cảm giác như mình đang được quay về quá khứ. Từng khung thoại chat như cầu nối giữa tôi hiện tại và tôi quá khứ. Người ngồi đằng sau màn hình, gõ những dòng chữ kia chính là tôi lúc 14 tuổi", Huang tâm sự.

Michelle Huang đã dùng chính nhật ký của mình để làm dữ liệu cho AI tạo lập một "Michelle Huang đến từ quá khứ". Ảnh: Michelle Huang.

Cô gái đã bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi về thế giới quan của phiên bản trẻ hơn của chính mình, trước khi đối phương đặt câu hỏi cho cô. Các câu trả lời của AI giống với suy nghĩ của cô khi còn nhỏ một cách kỳ lạ mặc dù câu hỏi cô đặt ra rất cảm tính.

Trong một đoạn chat, Michelle Huang của hiện tại nói rằng chắc hẳn sẽ có rất nhiều khó khăn sắp ập đến với cô trong quá khứ nhưng chắc chắn cô cũng sẽ vượt qua được. "Ý cậu là sao? Khó khăn như thế nào", đối phương hỏi lại. "Đó là những lần cậu cảm thấy buồn hay những lần cảm giác như cả thế giới của cậu bỗng chốc sụp đổ", Huang của hiện tại nói. Huang năm 14 tuổi tạo lập từ AI đã bày tỏ sự đồng tình với điều này và nói rằng cô ấy cũng gặp nhiều trắc trở trong thời gian gần đây.

Sau khi đôi bên trò chuyện, Michelle Huang đã nhờ AI viết một lá thư gửi đến cô ở hiện tại. "Tớ mong rằng cậu đang làm tốt mọi thứ. Tớ mong cậu đã tìm ra niềm đam mê và sống trọn với tình yêu của mình. Tớ mong cậu đang hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của bản thân. Tớ cũng mong rằng cậu có thể được là chính mình và không bị bất kỳ ai hay điều gì thay đổi con người cậu", AI viết.

AI không xấu như mọi người nghĩ

Michelle Huang 14 tuổi tạo lập từ AI còn quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của Huang và đưa ra những lời động viên chân thành: "Tớ rất tự hào về tất cả những gì cậu đã đạt được".

Chia sẻ với The Independent, nghệ sĩ 26 tuổi cho biết cô hy vọng sẽ có thể tiếp tục sử dụng thí nghiệm này để kiểm tra khả năng biến đổi, thích nghi của AI và kết nối con người với nhau hơn. "Những tương tác gần gũi đã giúp mở rộng khả năng chữa lành của AI", Huang nói.

Chúng ta có thể gửi gắm tình yêu ngược về quá khứ hay nhận được sự quan tâm, thấu cảm từ phiên bản trẻ hơn của mình. "Tôi có cảm giác như mình đã quay lại quá khứ, ôm chặt bản thân mình khi đó và cảm nhận được sự ấm áp ấy cho đến hiện tại", cô gái tâm sự.

Đoạn hội thoại giữa Michelle Huang hiện tại và Michelle Huang quá khứ. Ảnh: Michelle Huang.

Song, nhiều người tỏ ra lo ngại khi những mô hình AI như GPT-3 hay các công cụ tạo lập ảnh từ trí tuệ nhân tạo sẽ bị sử dụng sai mục đích, tạo ra deepfake. Chúng có thể bắt chước, mạo danh con người y như thật hay viết truyện, sản xuất nội dung và thậm chí là tái lập con người thời còn trẻ như mô hình của Michelle Huang.

GPT-4, thế hệ AI tiếp theo của OpenAI, sắp sửa xuất hiện trong thời gian tới, mạnh mẽ hơn thế hệ trước và đương nhiên tiềm ẩn nhiều hiểm họa nguy hiểm hơn. Nhưng Huang mong rằng những công cụ này sẽ được sử dụng đúng mục đích với “ý thức cao và lòng vị tha” hơn là dùng để hại người khác.

"Công nghệ không xấu cũng không tốt. Nó phụ thuộc vào cách con người sử dụng. Tôi hy vọng dự án của mình sẽ giúp công nghệ nói chung và AI nói riêng trở nên tử tế, gần gũi, nhân văn và có thể sử dụng để chữa lành tâm hồn con người", Michelle Huang chia sẻ.