hỗ trợ 7 năm cập nhật của android không "ngon" như bạn nghĩ
Mặc dù các nhà sản xuất smartphone đang bắt đầu cam kết hỗ trợ cập nhật phần mềm dài hơn, lên đến 7 năm nhưng điều này vẫn còn nhiều tranh cãi. Liệu việc hỗ trợ phần mềm lâu dài có thực sự mang lại lợi ích cho người dùng hay chỉ là lời hứa suông?
Sau khi tụt hậu so với Apple về mảng hỗ trợ phần mềm kể từ những ngày đầu của smartphone, cuối cùng Samsung và Google cũng đã bắt đầu đưa ra những hứa hẹn cập nhật Android trong 7 năm. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì đối với bạn, và liệu nó có thực sự tốt như mong đợi?
Cảm giác thật tuyệt vời khi mua một chiếc điện thoại và biết rằng nó sẽ nhận được nâng cấp phần mềm và tính năng mới trong nhiều năm. Điều đó đặc biệt quan trọng trong những ngày nay, vì điện thoại không còn có những bước tiến nhảy vọt qua từng năm, và mỗi bản phát hành mới đều mang tính cải tiến lặp lại hơn là mang tính cách mạng. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta sẽ không sử dụng cùng một chiếc điện thoại mà chúng ta có ngày nay trong sáu đến bảy năm tới, và phần mềm không phải là điều duy nhất mà người dùng cân nhắc khi mua.
"Lời hứa" 7 năm
Việc cập nhật phần mềm mới nhất mỗi năm không chỉ quan trọng mà còn thú vị. Tuy nhiên, một khi thiết bị Android của bạn quá cũ để nhận cập nhật, bạn sẽ cần bắt đầu nghĩ đến việc thay thế. Đây là tình huống mà nhiều người trong chúng ta đã gặp phải, nhưng nó đang dần được cải thiện.
Với việc ra mắt Galaxy S24 mới, Samsung hứa hẹn bảy năm cập nhật hệ điều hành Android, sánh ngang với nỗ lực của Google dành cho Pixel 8 và Pixel 8 Pro. Trước thông báo đó, nhiều thiết bị Samsung chỉ được đảm bảo cập nhật bảo trì trong ba đến năm năm và thậm chí còn ít cập nhật hệ điều hành Android lớn hơn.
Liệu có đáng để mong chờ?
Mặc dù việc hứa hẹn hỗ trợ điện thoại trong thời gian dài có những lợi ích to lớn, nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Trước hết, trong khi điện thoại không còn chứng kiến những bước nhảy vọt về công nghệ như thời kỳ đầu, mọi thứ vẫn đang phát triển. Và rất ít người dùng sẽ giữ mãi một chiếc điện thoại lâu đến vậy.
Ngoài ra, khi mọi thứ trở nên cũ, hiệu suất bắt đầu giảm. Xe của chúng ta sẽ tốn nhiều xăng hơn, máy tính xách tay chạy chậm hơn, điện thoại hơi lag và tuổi thọ pin giảm nhanh chóng. Mỗi lần bạn sạc điện thoại, pin sẽ bị chai một chút, đó là lý do tại sao điện thoại cũ của bạn không dùng được lâu như khi mới mua. Và đó chính xác là lý do tại sao các nhà sản xuất không sản xuất điện thoại có pin tháo rời. Đó là sự lỗi thời được lên kế hoạch trước vì họ muốn bán thêm điện thoại, chứ không muốn người dùng giữ nguyên một thiết bị trong bốn đến năm năm. Điều đó không tốt cho việc kinh doanh và với những ai quan tâm công nghệ đều sẽ nhớ về vụ bê bối pin của Apple.
Hứa hẹn cập nhật trong bảy năm là điều tuyệt vời, nhưng các nhà sản xuất sẽ giới hạn các tính năng, cải tiến phần cứng và đưa ra những điều mới mẻ thú vị để thuyết phục người dùng phải thay thiết bị khác.
Cập nhật kịp thời mới là yếu tố quan trọng
Việc cập nhật định kỳ là cách để cải thiện điện thoại dễ dàng, thêm các tính năng mới, sửa các lỗi quan trọng hoặc lỗ hổng bảo mật và đảm bảo hiệu suất hoạt động phù hợp. Samsung cũng khá giỏi trong việc phát hành các bản cập nhật sửa lỗi hàng tháng, hai tháng một lần hoặc theo quý. Dưới đây là một số lợi ích chính của việc đó:
Cải thiện hiệu năng: Cập nhật phần mềm thường xuyên giúp khắc phục lỗi, vá bảo mật và tối ưu hóa hiệu năng, giúp điện thoại hoạt động mượt mà và ổn định hơn.
Thêm tính năng mới: Các bản cập nhật thường đi kèm với các tính năng mới, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng khả năng của điện thoại.
Sửa lỗi bảo mật: Cập nhật phần mềm thường xuyên giúp vá các lỗ hổng bảo mật, giúp bảo vệ điện thoại khỏi các cuộc tấn công mạng và phần mềm độc hại.
Tăng tuổi thọ sử dụng: Việc cập nhật phần mềm giúp điện thoại tương thích với các ứng dụng và dịch vụ mới nhất, đồng thời kéo dài tuổi thọ sử dụng của thiết bị.
Như vậy, bạn có thể thấy rằng việc cập nhật định kỳ thay vì một hứa hẹn về cập nhật lâu dài là điều hoàn toàn nên ưu tiên.