Xuất hiện bảng mạch tan trong nước

Các nhà nghiên cứu tại Anh đã tạo ra bảng mạch (PCB) đầu tiên trên thế giới tan trong nước nóng. Do đó, nó dễ dàng được tái chế và bảo vệ môi trường.

Xuất hiện bảng mạch tan trong nước

Hiện nay, khá nhiều công ty công nghệ đã hướng đến việc giảm lượng rác thải điện tử (e-waste), bảo vệ môi trường bằng cách tận dụng vật liệu tự hủy sinh học. Tuy nhiên, vài linh kiện vẫn chưa thể tái chế được.

Nhận thấy vấn đề còn tồn đọng, các nhà nghiên cứu tại Jiva Materials (Anh) đã tạo ra bảng mạch Soluboard tan trong nước. Cụ thể, Soluboard được làm từ thực vật, vết carbon (carbon footprint) thấp hơn nhiều so với vật liệu sợi thủy tinh (glass fibers) truyền thống và tan trong nước nóng.

Đặc biệt, dù bảng mạch tan đã hòa tan nhưng một số linh kiện trên nó vẫn dễ dàng tái sử dụng. Qua đó hiệu suất thu hồi các kim loại quý sẽ nâng cao.

Thêm vào đó, việc thay thế vật liệu FR-4 bằng Soluboard giúp giảm 60% lượng khí carbon thải ra môi trường. Chi tiết, cứ mỗi 1m vuông PCB Soluboard sẽ giúp giảm 10,5kg carbon và 620g nhựa.

Hiện Jiva đang làm việc với vài công ty để sản xuất nguyên mẫu (prototype) của bảng mạch này. Vì thiết kế trên đơn giản và khả năng tái sử dụng cao nên có lẽ trong tương lai, nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới sẽ sớm ứng dụng vào trong dây chuyền sản xuất, bảo vệ môi trường.

Theo số liệu công bố của Liên Hiệp Quốc tại báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020", trong năm 2019, trên thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử. Dự báo sẽ có khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030.

Dù vậy, chỉ có 17% được tái chế trong 53,6 triệu tấn rác thải điện tử vào năm 2019. Trong đó, châu Âu tạo ra 12 triệu tấn rác thải điện tử nhưng tỉ lệ tái chế cao nhất với mức 42%. Châu Á là nơi tạo ra rác thải điện tử nhiều nhất với khoảng 24,9 triệu tấn nhưng tỉ lệ tái chế chỉ đạt 12%.